Cả nhà quay lại nhịp sống cũ
Dưới góc độ tâm lý hệ thống, gia đình được xem như những hệ thống vận hành theo cách thức riêng đặc thù. Chính sách giãn cách xã hội trong phòng chống dịch Covid 19 đã ảnh hưởng lớn đến nếp sinh hoạt của mọi gia đình. Con cái nghỉ học, cha mẹ làm việc tại nhà, mọi người hạn chế ra đường… khiến cho cách vận hành của hệ thống gia đình phải thích nghi theo hoàn cảnh mới.
Dịch bệnh tạo cơ hội cho mọi người bỏ bớt các hoạt động bên ngoài để ‘trở về nhà’. Đó là thời điểm để ba mẹ, con cái gia tăng tương tác và cải thiện mối quan hệ thân thiết. Nhưng đối với một số các gia đình khác, việc có nhiều thời gian hơn để ở cạnh và sinh hoạt cùng nhau lại đưa đến nguy cơ gây ra những sự ‘va chạm’ khó chịu.
Tuy nhiên, dường như khi mọi người vừa kịp làm quen với nhịp sống mới này, thì xã hội lại bắt đầu chuẩn bị phục hồi. Như thế, gia đình đứng trước nguy cơ trải qua một lần thay đổi thói quen sinh hoạt nữa để đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc của các thành viên.
Nếu mọi người trong gia đình không cùng nhau nhìn nhận những mong đợi, nhu cầu của từng người và tìm ra cách thức tích cực để ‘dàn xếp’ những mâu thuẫn có thể đưa đến căng thẳng lâu dài.
Con tự lập để đến trường
Một số trẻ có mối quan hệ gắn bó với cha mẹ hoặc người chăm sóc quá chặt chẽ và phụ thuộc sẽ đem đến khó khăn lớn cho việc đi học lại. Điều này đặc biệt thể hiện rõ nơi các trẻ ở lứa tuổi mầm non, thậm chí tiểu học. Các em vốn đã khó thích nghi khi rời xa cha mẹ để đến lớp, lại được củng cố bằng khoảng thời gian dài ở nhà từ sau Tết đến nay. Vì vậy, khi bắt đầu trở lại trường lớp, nhiều trẻ sẽ phản ứng mạnh bằng các hình thức khóc, la hét, thậm chí ói, ăn vạ để tiếp tục ở nhà.
Cha mẹ nên khởi động lại quy trình từng bước giúp con làm quen dần với trường lớp, bạn bè. Điều quan trọng không thể thiếu chính là việc cha mẹ cần thay đổi mối quan hệ gắn bó quá phụ thuộc, giúp con đối diện với sự chia ly khỏi vòng tay gia đình. Bên cạnh đó, hãy tạo lập cho trẻ các kỹ năng phục vụ bản thân như tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự thay quần áo… để tự tin khi bước vào môi trường sinh hoạt tại trường lớp cùng bạn bè.
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
(Nguồn: bvndtp.org.vn)
Xem thêm: