Cha mẹ kết nối với con bằng hiểu và thương. Từ khi còn trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra, mỗi đứa trẻ đều có những kết nối kì diệu với bố mẹ. Càng lớn lên, sự kết nối với con của bố mẹ càng vơi bớt dần. Bố mẹ hãy tìm lại sự kết nối với con để con lớn lên và hiểu được tình yêu thương của bố mẹ cho con.
Nội dung chính
1. Vì sao cha mẹ khó kết nối với con?
Những đứa trẻ khi sinh ra được bảo vệ trong sự yêu thương của bố và mẹ. Mọi điều các con đều được học, được trải nghiệm và dạy dỗ từ cha mẹ. Các con lớn lên bằng tình yêu thương của cả gia đình.
Tuy vậy, xã hội ngày nay không ít những gia đình con cái có sự xa lánh, ít liên kết với bố mẹ. Những nguyên nhân có thể kể đến là:
Bố mẹ ngày càng bận rộn
Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều nhu cầu gia tăng. Bố mẹ ngày càng trở nên bận rộn với công việc để đảm bảo nguồn thu nhập và trang trải cuộc sống hàng ngày. Đôi khi bố mẹ làm việc nhiều đến mức không còn có thời gian cho bản thân.
Người bố, người mẹ trong xã hội hiện đại cũng gặp nhiều áp lực khi vừa nuôi con, vừa chăm lo cuộc sống gia đình và vừa hoàn thành công việc. Quý thời gian bố mẹ dành cho con ngày một ít đi.
Khi quá bận rộn, bố mẹ sẽ đành để con chơi một mình hoặc chơi cùng những người thân khác. Nhiều gia đình mặc dù có điều kiện cho con những gì tốt đẹp nhất nhưng có thể cả ngày không có thời gian dành cho con.
Sự ít tiếp xúc, gặp gỡ khiến con ngày càng có sự buồn chán. Dù con có chơi cùng ai đi nữa thì bố mẹ vẫn là những người con muốn ở cạnh nhất.
Xã hội thay đổi
Cuộc sống xung quanh chúng ta luôn có sự thay đổi chóng mặt. Những sự thay đổi này tác động không ít đến trẻ em.
Trước đây chúng ta không có smartphone, ipad để chơi. Ngày nay, ngoài giờ học các con dành thời gian sử dụng thiết bị điện tử để giải trí.
Các con thời nay cũng có sự nhanh nhạy với mạng xã hội và dễ bị ảnh hưởng bởi những quan điểm ở đó. Phụ huynh nhiều khi không thể bắt kịp được với những sự thay đổi này.
Bố mẹ không hiểu con
Đây là câu nói quen thuộc của các bạn khi bắt đầu đến tuổi teen. Các con có những thay đổi lớn về tâm lý và tính cách.
Con muốn được thể hiện mình nhiều hơn và dễ dàng không hài lòng với những mong muốn của bố mẹ. Phụ huynh cũng sẽ cảm thấy con khó chiều và bướng bỉnh hơn.
Con ngày càng ít gần gũi với bố mẹ và có những điều con cho rằng bố mẹ không hiểu gì về con. Con muốn tự mình làm mọi thứ con thích mà không có sự ngăn cản nào cả.
Khao khát muốn khám phá bản thân và khám phá thế giới xung quanh của con lúc này vô cùng lớn. Con sẽ mong muốn sự tự do hơn.
Khoảng cách thế hệ
Đây là vấn đề tuy đã cũ nhưng vẫn chưa thể xoá bỏ hoàn toàn trong mỗi gia đình. Quan điểm của bố mẹ và quan điểm của các con thời nay hoàn toàn khác nhau.
Có những thứ con cho là đẹp nhưng đối với bố mẹ đó là không phù hợp. Ví dụ như các con yêu thích những bản nhạc sôi động, thích mặc những bộ trang phục hiphop,… thì trong mắt bố mẹ đó lại thể hiện sự ăn chơi, đua đòi.
Các con sẽ cảm thấy tổn thương khi không được làm điều mình thích và được sống với cá tính của mình. Lâu dần con sẽ thu hẹp mình lại, ít chia sẻ với bố mẹ và đợi đến khi ra khỏi vòng tay gia đình để được là chính mình.
2. Cha mẹ kết nối với con bằng hiểu và thương
Để trở thành người đồng hành cùng con trên chặng đường khôn lớn và trưởng thành, bố mẹ hãy đồng cảm với con hay nói cách khác là hiểu và thương. Để kết nối với con, ba mẹ có thể áp dụng những lời khuyên sau:
Dành thời gian cho con nhiều hơn
Dù biết công việc không bao giờ thiếu, bố mẹ hãy sắp xếp trong quỹ thời gian của mình một khoảng thời gian chỉ dành cho con. Khoảng thời gian đó bố mẹ có thể cùng con học, đọc sách, trò chuyện cùng con,…
Khi ở cạnh con, bố mẹ hãy hạn chế công việc nhiều nhất có thể. Hãy tránh xa những cuộc điện thoại, những chiếc máy tính làm việc để dành trọn thời gian bên con.
Khi con có thời gian ở cùng bố mẹ, trẻ sẽ thấy hạnh phúc hơn. Con sẽ cảm nhận được tình cảm của bố mẹ nhiều hơn. Sự gắn kết tự nhiên được nuôi dưỡng.
Trò chuyện để thấu hiểu con
Để hiểu con thì không gì bằng việc trò chuyện cùng con. Bố mẹ hãy tập cho con thói quen chia sẻ ngay khi con còn nhỏ. Bố mẹ có thể hỏi về ngày hôm nay của con thế nào, con thích và không thích điều gì ở trường mới,…
Hiểu con bằng cách đồng cảm là điều dễ dàng nhất để con trải lòng và chia sẻ nhiều hơn với bố mẹ. Con không dấu diếm mà sẽ thể hiện quan điểm và suy nghĩ của con.
Bố mẹ sẽ là người định hướng và đưa ra chỉ dẫn phù hợp cho con. Muốn hiểu con hơn, bố mẹ hãy làm bạn thân với con.
Cùng con thỏa mãn sở thích, đam mê
Để kết nối với con, bố mẹ hãy loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực như mình không thể làm cái này, không thể làm điều kia. Bố mẹ hãy thử trải nghiệm và cùng con khám phá những gì con đam mê.
Ví dụ con thích ván trượt, bố hãy cùng con tìm kiếm những nơi mua ván trượt tốt, lợi ích của môn thể thao này. Nếu con thích làm đồ thủ công, mẹ hãy cùng con đi mua những nguyên liệu và tìm kiếm những mẫu thủ công đẹp.
Để con thỏa mãn sở thích và đam mê là cách bố mẹ dễ dàng kết nối với con. Con sẽ thấy được rằng bố mẹ luôn ủng hộ những điều con thích, con làm và sẽ luôn ở bên cạnh để khuyến khích và động viên.
Hãy để con tự do thoả mãn sở thích miễn sao sở thích đó không xấu và ảnh hưởng tiêu cực đến con. Những đức tính tốt và khả năng đặc biệt của con có thể được phát hiện ra khi con được thoả sức với đam mê.
Gia tăng trải nghiệm có cả gia đình
Thiếu gắn kết và kết nối giữa các thành viên gia đình đặc biệt là với con cần được bù đắp bằng những khoảnh khắc quây quần. Sự bận rộn của cả con và bố mẹ khiến cho những phút giây gia đình vui vẻ trở nên ít đi.
Thay vào đó là những ngày con ít được gặp bố mẹ, ông bà ít được gặp cháu. Hãy dành ra một dịp đặc biệt để cả gia đình có thể quây quần, tề tựu bên nhau. Đó có thể là một chuyến đi chơi cả gia đình, một bữa ăn sinh nhật ấm cúng,…
Những dịp tụ họp gia đình giúp con trở nên cởi mở hơn với mọi người. Các bé nhỏ có không gian và người chơi cùng, dần dần hình thành tình cảm thương yêu với những người ruột thịt. Nếu ít có sự kết nối, con sẽ vơi dần tình cảm và khi lớn lên con sẽ càng ít có dịp được gần gũi với bố mẹ và gia đình.
Không quát mắng mỗi khi con mắc lỗi
Đây là điều mà chắc hẳn phụ huynh nào cũng đã làm. Trẻ em không bao giờ chịu ngồi im, các con chưa hiểu được hậu quả của việc mắc lỗi. Đôi khi con gây ra những lỗi lầm khiến bố mẹ phải đau đầu.
Khi con mắc lỗi, bố mẹ tốt nhất cần giữ bình tĩnh ngay lúc đó. Không nên buông lời mắng con ngay, bé sẽ cảm thấy sợ hãi. Tuy rằng việc bố mẹ la mắng là để con ghi nhớ không tái phạm nhưng lâu dần con sẽ trở nên tự ti và không dám thể hiện điều gì cả.
La mắng là cách để phụ huynh giải tỏa sự bực tức khi thấy con gây ra điều bố mẹ không mong muốn. Thay vì la mắng con, bố mẹ hãy phân tích vấn đề và phải thật bình tĩnh với con. Bố mẹ hãy xem xét sự nghiêm trọng của lỗi con gây ra, làm thế nào để con nhận thức được việc đó là không đúng.
Bố mẹ hãy nhẹ nhàng nói cho con biết và đưa ra những góp ý và biện pháp giúp con sửa sai. Khi đứa trẻ nhận ra lỗi và sửa sai, con sẽ hiểu vấn đề và có trách nghiệm hơn với những việc mình đã gây ra.
Đừng tiếc những cử chỉ âu yếm
Tại sao khi mới ra đời, cha mẹ luôn dành cho con những cái ôm? Đến khi con lớn hơn, những cử chỉ âu yếm càng trở nên ít dần?
Hãy là những cái ôm chào tạm biệt khi con đến lớp, cái ôm khi con vừa hoàn thành một bài thuyết trình hay, khi con dành được những thành tựu đầu tiên dù là nhỏ trong cuộc đời.
Những cái ôm thể hiện sự tin tưởng, sự ấm áp mà bố mẹ dành cho con. Cái ôm, cái khoác tay là cách để con thấu hiểu rằng bố mẹ luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay mỗi khi con trở về nhà.
Con sẽ hiểu được giá trị của gia đình, của tình cảm bố mẹ dành cho con. Dù có đi đâu xa, con cũng vẫn sẽ có sự kết nối ưu tiên với gia đình.
Không so sánh con với những bạn khác
Các bạn nhỏ không thích sự so sánh. Khi các con có nhận thức, bị so sánh với người khác là điều con ghét nhất. Mỗi đứa trẻ có tính cách và tài năng không giống nhau. Có thể bạn này giỏi vẽ, con giỏi toán,…
Ở mỗi đứa trẻ sẽ có một khả năng khác nhau mà không phải lúc nào phụ huynh cũng nhận ra. Không nên so sánh con với những bạn khác. Con sẽ cảm thấy áp lực, không tự tin vào bản thân mình và luôn cho rằng mình là người thất bại.
Tâm lý đó khiến con ngày càng xa rời bố mẹ, càng ngày khi lớn lên con sẽ mất động lực cố gắng. Điều này vô cùng nguy hiểm khi những khả năng của con không được bộc lộ và tâm lý của con luôn không hài lòng về bản thân mình.
Hãy để con tự phát huy thế mạnh và sở trường. Bố mẹ hãy là người cùng con khám phá những khả năng con có và tạo điều kiện để con phát huy và phát triển bản thân tốt nhất. Con sẽ là phiên bản hoàn hảo nhất của bố mẹ.
LỜI KẾT
Thấu hiểu và kết nối với con là điều tất cả phụ huynh đều mong muốn. Con cái là niềm tự hào, niềm hãnh diện của cha mẹ. Khi con được bố mẹ thấu hiểu, có định hướng tốt, con sẽ dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống sau này.
—
HỆ THỐNG MẦM NON GCA – HỌC VIỆN THỦ ĐÔ XANH
Website: https://gca.edu.vn
Nhận thông tin chương trình & học phí: https://tuyensinh.gca.edu.vn
—–
Ba mẹ có thể liên hệ các điểm trường để tìm hiểu hoặc đăng ký trải nghiệm môi trường học tập GCA tại đây nhé: https://gca.edu.vn/tuyen…/dang-ky-tu-van-tham-quan-truong/
Xem thêm:
Trường mầm non GCA Ecohome 1 Trường mầm non GCA Ecohome 2 Trường mầm non GCA Ecohome 3 Trường mầm non GCA EcoLife Capitol Trường mầm non GCA EcoLife Riverside GCA – Lễ Trưởng Thành Graduation Ceremony 2022