Giáo dục nhân cách cho trẻ rất quan trọng
Những ngày này, câu chuyện áp lực học tập và kỳ vọng quá lớn của gia đình khiến trẻ rơi vào trạng trái cảm xúc cực đoan, có suy nghĩ tiêu cực đang trở thành vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và xã hội. Đặt ra cho chúng ta câu hỏi liệu một bên thành tích có còn quan trọng trong khi chúng ta bỏ bê một bên cảm xúc, sức khỏe tinh thần hay thậm chí là giáo dục nhân cách của trẻ – một điều còn rất mới mẻ ở Việt Nam.
Thứ 7, ngày 2/4/2022, các thành viên CLB Happy Reading đã có cơ hội được ngồi lại và cùng trò chuyện với tác giả Minh Thành – người chắp bút viết nên cuốn “Thực hành Giáo dục nhân cách”- cuốn sách thứ 2 về tâm lý học tích cực tại Việt Nam nói về giáo dục tích cực và đặc biệt viết về Thực hành giáo dục nhân cách cho trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học.
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa là mục đích ra đời của cuốn sách, những thông điệp sâu sắc mà nhóm tác giả muốn gửi gắm cho các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh khi đọc cuốn này, và đặc biệt là những mong muốn dành cho các em học sinh, trẻ em là đối tượng thụ hưởng mà cuốn sách đề cập.
24 điểm mạnh nhân cách.
Cuốn sách chính là những bài tập thực hành cụ thể, rõ ràng nhất về 6 lớp nhân đức và 24 điểm mạnh nhân cách trong lý thuyết về điểm mạnh nhân cách VIA (Values in action inventory of Strengths) được nhà tâm lý học Howard Gardner đánh giá là “một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong tâm lý học của nửa thế kỷ qua”. Hiểu rõ các điểm mạnh, điểm chưa mạnh của trẻ cũng là cách để chúng ta, cha mẹ và thầy cô biết cách để tiếp cận và can thiệp cải thiện điểm chưa mạnh của các con.
Xin trích đoạn một nội dung nói về Lòng biết ơn – Nhân cách quan trọng số 1, được xếp đầu tiên chương 1 của cuốn sách, được đánh giá có ảnh hưởng rất nhiều đến các nhân cách còn lại:”Lòng biết ơn cũng có mặt tối của nó. Nếu lòng biết ơn mà được dạy không dựa trên lòng biết ơn thực sự thì điều đó sẽ khơi gợi nên sự bực tức, khó chịu của những người nói lòng biết ơn. Có nghĩa là nếu trẻ không thực sự thấy biết ơn điều gì đó từ bên trong mà cứ phải lắng nghe hoặc chịu sự hướng dẫn “con ơi, con biết ơn ông đi, con phải biết ơn bà đi” “con chào cô đi, con chào chú đi”.. thì trẻ sẽ biết ơn trong một sự gượng ép, khó chịu, dần dà sẽ phá vỡ mối quan hệ giữa trẻ và người yêu cầu nói biết ơn.
Đầu tiên để dạy cho trẻ về lòng biết ơn, không phải là chúng ta ép trẻ nói cảm ơn, biết ơn mà chúng ta cần dạy về lòng biết ơn thực sự. Trẻ thấy biết ơn khi nào? Khi trẻ thực sự nhận được một điều tốt đẹp nào đó “Tôi biết ơn ai đó vì đã làm điều gì đó cho tôi”. “Con biết ơn mẹ vì mẹ mua quần áo cho con, con biết ơn bà vì bà mua bánh kẹo cho con…
Giúp trẻ nhận ra được những điều tuyệt vời xung quanh trẻ và những điều tuyệt vời mà người khác đem lại cho trẻ chính là cách để trẻ hiểu được và dấy lên cảm xúc biết ơn trong trẻ.
Vẫn còn rất nhiều nội dung vô cùng ý nghĩa và sâu sắc
“Vẫn còn rất nhiều nội dung vô cùng ý nghĩa và sâu sắc mà tác giả đã mang đến cho các thầy cô và cha mẹ trong CLB Happy Reading – Người thầy bên con.
Vô cùng biết ơn tác giả Minh Thành đã có những chia sẻ rất tâm huyết và ý nghĩa. Biết ơn các cha mẹ và thầy cô đã hiện diện và đồng kiến tạo nên một buổi tối cuối tuần với bao nhiêu vỡ lẽ về giáo dục con và giáo dục nhân cách.Tin rằng những buổi sau, khi đi sâu về nội dung từng chương chúng ta sẽ có nhiều điều hơn nữa để luận đàm và học hỏi.Hẹn gặp lại các thành viên trong buổi sinh hoạt hàng tuần của CLB vào tối thứ 7 tới.
Chúng ta hoàn toàn có thể xem lại tại đây:
Xem thêm
Vai trò của cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ